Cùng với sự phát triển của Internet và quảng cáo trực tuyến, Digital Marketing đã trở thành hành trang lý tưởng mà các nhà sáng tạo nội dung của thời đại mới khám phá và học hỏi. Bên cạnh đó, các marketers truyền thống cũng dần hoà vào làn sóng “số hóa thông tin”, tìm hiểu thêm về lĩnh vực Digital Marketing để bắt nhịp xu hướng.
Bài viết sau đây cập nhật Bộ thuật ngữ mới nhất về Digital Marketing giúp các marketers thuận tiện tra cứu.
A
- A/B Testing: Thay vì dùng trực giác để dự đoán người dùng sẽ phản ứng như thế nào, các marketers thường so sánh hai phiên bản của landing page, email tiếp thị, nút call-to-action,… để tìm ra lựa chọn tối ưu. Quá trình thử nghiệm này được gọi là A/B Testing.
- Ad Servers (Máy chủ quảng cáo): Những máy chủ giúp người dùng đặt quảng cáo của mình trên các trang web và theo dõi tiến trình của từng chiến dịch.
- Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết): Hình thức tạo thu nhập online bằng việc quảng bá sản phẩm của đối tác và nhận hoa hồng mỗi lần bán thành công. Doanh nghiệp sẽ trả tiền khi khách hàng nhấn theo dõi, đăng ký thành viên, mua hàng,… từ đường dẫn của đối tác (trang web, KOLs, nhà sáng tạo nội dung,…)
- API (Application Program Interface – Giao diện tích hợp ứng dụng): Giao diện để các ứng dụng khác nhau có thể giao tiếp, trao đổi dữ liệu qua lại.
B
- Behavioral Targeting (Nhắm đối tượng theo hành vi): Phương pháp marketing sử dụng thông tin của người dùng để tạo hiệu quả tốt hơn khi hiển thị quảng cáo.
- Bottom of the Funnel (Đáy phễu): Giai đoạn cuối trong mô hình Marketing dạng phễu để biến những đối tượng tiềm năng thành khách hàng thực sự. Lúc này, các nhà quảng cáo phải triển khai những kế hoạch thu hút khách hàng như phát hành mẫu thử sản phẩm, tư vấn mua hàng miễn phí, giới thiệu chi tiết về sản phẩm mới…
- Bounce Rate (Tỷ lệ thoát ra): Phần trăm lượng khách vào xem website nhưng thoát ra ngay hoặc không ở lại lâu. Nếu khách hàng click vào một website, nhưng thoát ra ngay vì không tìm được thông tin như ý muốn, thì Tỷ lệ thoát ra của trang web sẽ tăng thêm một bậc.
C
- Churn Rate: Lượng khách hàng huỷ hợp đồng hoặc không gia hạn sử dụng dịch vụ của một công ty. Đây có thể xem là chỉ số quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp mà các Data Analyst (Chuyên viên phân tích dữ liệu) hoặc Marketers vô cùng quan tâm.
- Cloud Computing (Điện toán đám mây): Những máy chủ ảo (đám mây) trên mạng, cho phép người dùng lưu trữ, quản lý và chia sẻ dữ liệu từ nhiều thiết bị khác nhau.
- Conversion Path (Lộ trình chuyển đổi): Lộ trình khách hàng chuyển từ một “người qua đường” ghé thăm trang web của bạn đến khi họ trở thành một người tiêu dùng tiềm năng. Trong lộ trình này, doanh nghiệp phải thiết kế những hoạt động như kêu gọi mua hàng (Call-To-Action), biểu mẫu, thư cảm ơn…
- Cookie (Vụn bánh quy): Khi đăng nhập vào một website lạ, hẳn bạn sẽ nhận được dòng thông báo: “Chúng tôi dùng Cookie để mang đến cho bạn trải nghiệm lướt web tốt hơn. Bạn có đồng ý không?”. Nếu nhấn chọn “Đồng ý”, tệp dữ liệu cookie.txt sẽ được gắn vào trình duyệt web của bạn nhằm theo dõi vị trí và lưu thông tin đăng nhập. Tuy Cookie mang lại nhiều lợi ích không nhỏ, nhưng đây cũng là nguồn cơn của nhiều vụ bê bối về bảo mật thông tin cá nhân.
- CR (Conversion Rate – Chỉ số chuyển đổi): Phần trăm người dùng theo dõi và tương tác với quảng cáo theo đúng dự định bạn đặt ra (để lại email hoặc thanh toán mua hàng). Chỉ số CR khả quan là dấu hiệu của một doanh nghiệp đang trên đà phát triển.
- CRM (Customer Relationship Management – Quản lý quan hệ khách hàng): CRM là phương thức duy trì mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng. Các chuyên gia Digital Marketing thường phát huy tối đa hệ thống CRM để thấu hiểu khách hàng và kiếm nhiều lợi nhuận hơn từ những mối quan hệ tốt.
- CTA (Call To Action – Kêu gọi hành động): Là lời mời gọi khách hàng như: nhấp vào link đăng ký mua hàng, truy cập vào website phụ để theo dõi sản phẩm, gọi điện đến tổng đài tư vấn… Kêu gọi hành động chính là thành tố quyết định đối với các kênh quảng cáo trực tuyến.
D
- DAM (Digital Asset Management – Quản lý tài sản kỹ thuật số): Tập hợp những phần mềm để quản lý và truy cập các tài liệu kỹ thuật số như tệp tin, hình ảnh, video… của doanh nghiệp lẫn khách hàng và nhà thầu. Quản lý tài sản kỹ thuật số cho phép các công ty tự động hóa việc lưu trữ, chia sẻ và quản lý dữ liệu nội bộ dễ dàng hơn bao giờ hết.
- Dynamic Content (Nội dung động): Trong quảng cáo, nội dung được chia làm hai loại: Tĩnh và Động. Nội dung tĩnh không thay đổi theo thời gian, cũng không phụ thuộc vào tác động của người dùng. Ngược lại, nội dung động sẽ luôn được cá nhân hoá và hiệu chỉnh dựa theo dữ liệu thu thập được về khách hàng.
E
- Engagement Rate (Chỉ số tương tác): Bên cạnh lượt tiếp cận (reach), chỉ số hấp dẫn (Engagement Rate) là mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia mạng xã hội. Chỉ số này được tính bằng tổng lượt tương tác như yêu thích, bình luận, chia sẻ… để đánh giá bài đăng gây bao nhiêu hứng thú cho người đọc.
- Evergreen Content (Bài viết thường xanh): Loại bài viết phù hợp với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu. Khác với tin tức thời sự hay những xu hướng, bài viết thường xanh là những chủ đề không bao giờ cũ và luôn đón nhận lượt xem khủng trong bất kỳ thời điểm nào. Một số chủ đề thường xanh phổ biến có thể kể đến là: lời khuyên, bách khoa toàn thư, hướng dẫn,…
G
- Geographic Targeting (Xác định mục tiêu theo vị trí): Phương pháp khoanh vùng vị trí khách truy cập và tuỳ chỉnh nội dung dựa trên quốc gia, thành phố, quận, huyện… sao cho phù hợp với nhu cầu. Trong quảng cáo, các doanh nghiệp có thể hiển thị quảng cáo trong một địa phương cụ thể để tiếp cận những khách hàng tiềm năng nhất.
- Google AdWords: Một nền tảng quảng cáo từ Google, cho phép các đơn vị quản lý hiệu quả quảng cáo trên chuỗi ứng dụng của Google như Google Search, Display, YouTube,…
- Google Analytics: Đến cả những “tay mơ” trong ngành Digital Marketing hẳn cũng từng nghe qua cái tên Google Analytics. Dịch vụ này cho phép bạn theo dõi, phân tích và đo lường tất cả các loại doanh thu và chi phí của trang web, chiến dịch quảng cáo, video, kênh xã hội,…
I
- Interactive Content (Nội dung tương tác): Hình thức này cho phép người đọc tương tác ngay trên bài viết như ảnh chế hài hước, ảnh động, bài trắc nghiệm,… Ngày nay, khi người dùng không còn hào hứng với những bài viết lê thê và buồn tẻ, nội dung tương tác dần “lên ngôi” nhờ thu hút sự chú ý từ đông đảo cộng đồng mạng.
K
- KPI (Key Performance Indicator – Chỉ số đánh giá thực hiện công việc): Những tiêu chí để đánh giá một dự án, một công ty hay một nhân viên đang làm việc hiệu quả hay không. Các loại KPI phổ biến là giảm kinh phí, cải thiện doanh thu, hoặc tăng mức độ hài lòng của khách hàng. Các CEO và quản lý phải đặt ra KPI rõ ràng và dễ đo lường để toàn doanh nghiệp đạt được kỳ vọng đã đề ra.
L
- Lead Generation (Tạo khách hàng tiềm năng): Quá trình thu hút khách hàng, biến thương hiệu từ lạ thành quen trong mắt người tiêu dùng.
- Lead Nurturing (Nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng): Sau khi thu hút được những khách hàng tiềm năng, các marketers bắt tay vào việc thiết lập mối quan hệ thân thiết với khách hàng, “nuôi dưỡng” họ và tìm những cơ hội bán hàng thật sự.
- Lifecycle (Customer Lifecycle – Vòng đời khách hàng): Những giai đoạn trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng. Vòng đời thường này bắt đầu từ khi khách hàng biết đến thương hiệu (Awareness), cân nhắc – đánh giá (Evaluation), mua hàng (Purchase), và duy trì mối quan hệ (Retention).
M
- Martech (Marketing Technology – Công nghệ Marketing): Sự kết hợp giữa marketing và công nghệ. Martech được hiểu là những phần mềm hỗ trợ công việc tiếp thị như quản lý khách hàng, tối ưu hoá tìm kiếm, marketing tự động… Ngày nay, martech không còn là một phần mềm đơn lẻ, mà được xem như một quy trình hợp nhất nhiều công nghệ mới để đem đến hiệu quả marketing tốt nhất.
N
- Native Advertising (Quảng cáo tự nhiên): Loại quảng cáo xuất hiện trên bảng tin tự nhiên như một bài đăng bình thường, không gây cảm giác khó chịu cho người xem. Để làm được điều này, quảng cáo phải tương thích với loạt bài đăng trước đó.
O
- Omnichannel Marketing (Tiếp thị đa kênh): Phủ sóng quảng cáo trên đa dạng các phương tiện truyền thông (MXH, báo đài, biển hiệu…) và cho phép người dùng xem được từ nhiều thiết bị (di động, máy tính, tablet…) để tạo nên một “trải nghiệm quảng cáo” cho người dùng.
- Open Rate (Tỷ lệ mở xem): Thuật ngữ chuyên dùng trong marketing bằng email. Open Rate là chỉ số cho biết bao nhiêu khách hàng đã mở xem email bạn gửi. Cần lưu ý rằng, Open Rate khác với Total Open – tổng số lần email bạn được mọi người mở ra xem, tính cả trường hợp một người nhưng đọc mail nhiều lần.
P
- Personalization (Cá nhân hoá): Hình thức Cá nhân hoá nội dung đã trở nên phổ biến trong giới marketing những năm gần đây. Chức năng này cho phép thông tin tiếp cận một tệp người dùng cụ thể, dựa trên sở thích và hành vi lướt web của họ. Công nghệ này tích hợp thuật toán học máy (machine learning) và tự động hoá để thiết kế trải nghiệm riêng cho mỗi cá nhân trên Internet.
Q
- QR Code (Quick Response Code – Mã QR): Là một mã chứa hình ảnh hoặc liên kết, có thể quét được bằng điện thoại thông minh hoặc các loại máy quét mã.
R
- Referral Marketing (Tiếp thị giới thiệu): Là hình thức quảng bá sản phẩm bằng hoạt động truyền miệng, bài chia sẻ lên MXH của khách hàng, thúc đẩy đánh giá sản phẩm… Tiếp thị giới thiệu là chiến lược có sức lan tỏa mạnh mẽ được nhiều marketers lựa chọn, nhất là trong thời đại thông tin được số hoá và dễ dàng được lưu hành.
- ROI (Return On Investment – Tỷ suất hoàn vốn): Một doanh nghiệp có thể sử dụng muôn vàn phương cách tính lợi nhuận và ROI là một trong những lựa chọn phổ biến nhất. Ta có thể tính tỷ suất hoàn vốn bằng cách lấy tổng doanh thu chia cho chi phí đầu tư và viết số ROI ở dạng phần trăm.
- RPC (Revenue Per Click – Doanh thu trên mỗi lượt nhấp chuột): Chi phí nhà quảng cáo phải bỏ ra mỗi khi có người nhấp chuột vào sản phẩm. Phương pháp này tuy khá tốn kém, nhưng thương hiệu sẽ được phủ sóng miễn phí ở rất nhiều kênh truyền thông và chỉ bị tính phí khi có lượt nhấp vào.
S
- SEA (Search Engine Advertising – Quảng cáo trên công cụ tìm kiếm): Hình thức marketing trả phí để được hiển thị ở vị trí hàng đầu trên các công cụ tìm kiếm. Tất nhiên, khi lựa chọn phương án này, bên cạnh website của bạn sẽ có dòng chữ nhỏ “Quảng cáo” hoặc những biểu tượng khác ngầm biểu thị đó là liên kết trả phí.
- SEM (Search Engine Marketing – Marketing trên công cụ tìm kiếm): Các dạng thức tiếp thị như SEO, SEA, SMO, SMM,… là những thành tố cấu tạo nên SEM, loại hình marketing bằng việc tăng khả năng hiển thị trên các công cụ tìm kiếm. Ngày nay, khi phần đông người dùng chọn Google hay Bing để tra cứu thông tin sản phẩm, các doanh nghiệp đầu tư một khoản không nhỏ để trang web của mình được hiển thị ở top đầu kết quả tìm kiếm. Google Adwords hiện là hệ thống phổ biến nhất để chạy SEM đối với các nhà quảng cáo.
- SEO (Search Engine Optimization – Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm): Phương pháp giúp website của doanh nghiệp xuất hiện đầu tiên trong danh sách tìm kiếm. Một sản phẩm SEO hoàn hảo là nghệ thuật kết hợp giữa công thức và sáng tạo để vượt qua thuật toán mà xuất hiện trên top đầu.
- Shoppable Posts (Bài đăng cho phép mua hàng): Giống như tên gọi, người dùng có thể biến tài khoản cá nhân thành một cửa hàng online để khách hàng mua sắm. Chỉ cần nhấn vào sản phẩm yêu thích trên ảnh, khách hàng sẽ được dẫn đến website của nhãn hàng và dễ dàng thanh toán.
T
- TOFU (Top of the Funnel – Miệng phễu): TOFU là viết tắt của giai đoạn đầu tiên của mô hình phễu Marketing. Ở giai đoạn “miệng phễu”, hay còn gọi là mức độ Nhận thức (Awareness), tệp khách hàng của bạn sẽ rộng và có rất nhiều rào cản ngăn họ đến với sản phẩm bạn đang quảng bá. Nhiệm vụ của marketers ở “miệng phễu” là phải giúp người dùng vượt qua những trở ngại đó bằng việc phổ cập thông tin và từng bước hướng dẫn người dùng.
U
- URL (Uniform Resource Locator – Địa chỉ Web): Về cơ bản, mọi tài nguyên trên Internet đều có địa chỉ riêng và URL là một dạng mã giúp người dùng truy cập nguồn thông tin đó. Bên cạnh đó, Friendly URL (Đường dẫn thân thiện với SEO) cũng là vũ khí tuyệt vời, qua việc mô tả trang web với từ ngữ chính xác để khách hàng và các công cụ tìm kiếm dễ dàng nhận biết.
- UTM (Urchin Tracking Module – Mã quản lý truy cập): UTM là đoạn mã được gắn vào URL để theo dõi lượt truy cập vào địa chỉ web đó. Đoạn mã này giúp các marketers biết được bao nhiêu người đã tương tác với bài viết, hoặc thậm chí số lần nhấp chuột vào hình ảnh mình đính kèm trong email. Điểm trừ duy nhất của mã UTM là marketers được phép tự viết mã theo ý muốn. Chính vì vậy những URL có gắn mã UTM thường rất dài và có vẻ… đáng nghi.
- UV (Unique Visitor – Khách truy cập độc quyền): Khách truy cập độc quyền là những người thường xuyên vào xem trang web của bạn trong một quãng thời gian nhất định. Với Pageview (lượt xem trang), nếu người dùng đang xem trang chủ, sau đó bấm vào mục tin tức, sẽ được tính là 2 lượt xem. Còn UV được tính theo đầu người, nên dù bạn nhấp chuột vào website bao nhiêu lần đi nữa vẫn chỉ được tính là 1 khách độc quyền.
V
- Viral Content (Nội dung lan truyền): Những bài post, hình ảnh, video… hấp dẫn với lượt tương tác khổng lồ từ cộng đồng mạng được dân Digital Marketing gọi bằng cái tên khoa học hơn: Nội dung nổi bật. Nói cách khác, nội dung nổi bật vừa hài hước, vừa hữu ích, tác động trực tiếp đến cảm xúc của một tệp đối tượng cụ thể kích thích họ phải chia sẻ ngay.
Nguồn: Advertising Vietnam