Về mặt ngữ nghĩa, cụm từ “Public Relations” đã thể hiện tầm quan trọng của hai chữ “Quan hệ”, làm việc từ chính phủ, các cơ quan ban ngành, báo chí, đến các nhóm cộng đồng, chuyên gia, người ảnh hưởng.
Vai trò của mối quan hệ trong PR được hiểu qua câu, “Nuôi quân ba năm, dụng quân một giờ”. Tất cả những cố gắng của người làm PR sẽ tạo được lợi thế to lớn cho doanh nghiệp trong dài hạn, ví dụ như nắm bắt những thông tin tiêu cực hay xử lý khủng hoảng truyền thông nhanh chóng hơn.
Nhiều người cho rằng, muốn làm PR tốt chỉ cần có sẵn mạng lưới mối quan hệ cá nhân rộng. Thực ra, chỉ Personal Relationship không thôi chưa đủ, chúng ta cần cần thêm Shared Values, và trọng tâm là Professional Projects. Cụ thể hơn về 3 yếu tố này:
1. Shared Values: là những giá trị chung, trong mối quan hệ, hai bên phải có một, hoặc một vài những giá trị, những điểm chung nào đó, thì mới có thể làm việc và hợp tác lâu dài.
2. Professional Projects: là nền tảng để duy trì mối quan hệ. Dù có chia sẻ nhiều giá trị chung, nhưng không có những hoạt động để gắn kết hai bên, thì mối quan hệ dần dần cũng sẽ phai nhạt. Thêm nữa, mối quan hệ chỉ thực sự phát triển, bền vững khi hai bên làm việc ăn ý trong các dự án đó.
3. Personal Relationship: có thể hiểu là bạn bè chân thành không vụ lợi, không hẳn lúc nào cũng xem họ là đối tác, hay khách sáo vì lý do công việc. Tuy nhiên, không phải với ai bạn cũng xây dựng được một mối quan hệ cá nhân tốt.
Đến đây, bạn có thể thấy, để làm PR hiệu quả cần có mạng lưới quan hệ tốt, được xây dựng dựa trên giá trị chung từ những dự án chuyên nghiệp.
Bạn không nên tạo mối quan hệ chỉ bằng khả năng tiếp cận, giao tiếp hay vị thế xã hội. Ngay cả khi làm được, nếu bạn đưa ra yêu cầu công việc cho một mối quan hệ mới, bạn dễ bị hiểu lầm là “kết bạn chỉ để vụ lợi cho công việc”.
Hơn nữa, những dự án chuyên nghiệp mới là KPI đánh giá năng lực của người làm PR, chứ không phải chỉ là độ rộng của mạng lưới mối quan hệ hay sự thân thiết giữa các cá nhân. Nếu bạn chỉ xây dựng mối quan hệ mà không tạo ra giá trị gì cho công ty thì đó cũng có thể xem như sự lãng phí nguồn lực.
Sự thành công của những dự án chuyên nghiệp sẽ giúp công ty đạt được mục tiêu, đồng thời tạo ra giá trị cho mối quan hệ mà người làm PR xây dựng nên. Điều này thoả mãn 2 vế: giúp công ty đạt được mục tiêu và bên thứ 3 có được giá trị mà họ mong muốn. Đây mới chính là thước đo cho sự thành công của người làm PR.
Điều này khẳng định rằng những dự án mới là khởi đầu, nguyên liệu nuôi dưỡng giúp cho mối quan hệ tốt hơn, chuyển những giá trị chung thành những hoạt động ý nghĩa cho cả hai.
Theo đó, sẽ rất lý tưởng nếu bạn đạt được cả 3 cấp độ của một mối quan hệ tốt: làm việc chuyên nghiệp, chia sẻ giá trị chung, tôn trọng quý mến lẫn nhau đến mức để trở thành bạn bè ngoài đời.
Nguồn: BrandCamp