Với 68 triệu người dùng Internet, nền kinh tế Internet của Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai trong khu vực (1), tăng trưởng 39% mỗi năm kể từ năm 2015. Quỹ đạo tăng trưởng này tiếp tục với chính sách của chính phủ hướng tới độ phủ 100% của điện thoại thông minh (smartphone), thông qua việc hỗ trợ sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ (2), và một trong những gói dữ liệu mạng di động rẻ nhất trong khu vực.
Trong báo cáo “Tìm kiếm cho ngày mai của Việt Nam” đầu tiên từ Google, chúng tôi đã xem xét các xu hướng tìm kiếm của mọi người trên khắp đất nước và khám phá cách họ đang ngày càng tích hợp kỹ thuật số vào cuộc sống hàng ngày của mình.
1. Sự gia tăng của người tiêu dùng kỹ thuật số vùng nông thôn
Mặc dù các khu vực thành thị tiếp tục thống trị trên ‘bản đồ trực tuyến’ về chi tiêu, nhưng nông thôn Việt Nam là một thị trường chủ chốt cho tăng trưởng, sẵn sàng cho mức tăng trưởng nhanh gấp đôi các thành phố lớn. Đây là nơi cư trú của hơn một nửa dân số cả nước, một thị trường chưa được khai thác với mức độ thâm nhập của mạng Internet ngày càng tăng.
Cụ thể, 77% khu vực nông thôn Việt Nam hiện có truy cập Internet và 91% truy cập web hàng ngày. Internet đã trở thành cầu nối của những người dùng lần đầu tiên tiếp cận đến các tài nguyên, sản phẩm và dịch vụ.
Người dân nông thôn đang nhanh chóng chuyển sang sử dụng Internet để liên lạc, học tập, phát triển bản thân và giải trí. Theo đó, các nhà tiếp thị có thể đưa thông điệp của mình gắn liền với các lĩnh vực này, tận dụng các nguyện vọng của những người dùng này bằng nội dung hữu ích và phù hợp để tạo ra một mạch kết nối cảm xúc.
Nội dung phù hợp và dễ tiếp cận của YouTube thu hút người dân nông thôn, với 97% sử dụng nền tảng này hàng tuần và 62% xem nội dung trên đó hàng ngày. Nhưng khi đưa ra quyết định mua hàng, rõ ràng Google Tìm kiếm là lựa chọn hàng đầu với 45% người tiêu dùng nông thôn sử dụng để tìm kiếm thông tin về sản phẩm so với các phương tiện truyền thống (24%) và mạng xã hội (27%). Kết quả cho thấy 77% người tiêu dùng nông thôn Việt Nam đã nhấp vào Quảng cáo tìm kiếm vì dòng tiêu đề có liên quan.
2. Sự trỗi dậy của nền kinh tế theo yêu cầu
Hầu hết thế giới đều bị ‘đóng cửa’ bởi đại dịch, dẫn đến lượng người tiêu dùng đến các cửa hàng giảm mạnh. Tuy nhiên, bất chấp việc giãn cách nghiêm ngặt ở Việt Nam đã được dỡ bỏ, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa cảm thấy thoải mái khi ra khỏi nhà, dẫn đến việc phục hồi lượng khách đến cửa hàng chậm hơn nhiều.
Ngay cả trước đại dịch COVID-19, nền kinh tế Internet đang trên đà phát triển với người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, chuyển sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến với những hy vọng có một lối sống tiện lợi và không phiền nhiễu. Logic ở đây rất đơn giản, “nếu tôi có thể gọi một chiếc taxi hoặc mua bánh mì từ một cú nhấp chuột trên điện thoại thông minh của mình, vậy tại sao không thể đặt mua tất cả mọi thứ theo phương thức như vậy?”
Trong năm qua, chúng tôi đã thấy sự gia tăng đáng kể trong sở thích Tìm kiếm trên nhiều danh mục. Ví dụ: sự quan tâm Tìm kiếm đối với các nền tảng video phát trực tuyến (livestreaming) đã tăng gấp hai lần trong nửa đầu năm nay. Sự quan tâm Tìm kiếm trên YouTube tăng lên đối với nội dung truyền thống, chẳng hạn như “tin tức”, cũng như nội dung trực tuyến độc đáo, như “asmr” và “xe buýt trẻ em”.
Tương tự như vậy, Giáo dục và Quản lý tiền bạc cũng có sự gia tăng ổn định trong lượt tìm kiếm. Cứ ba người thuộc thế hệ Z thì có một người đã sử dụng Internet chỉ trong tháng trước để học hỏi và phát triển nền tảng kiến thức của họ. Ngoài ra, người tiêu dùng ở Việt Nam cũng đang ngày càng chuyển từ các chi nhánh vật lý sang phương tiện trực tuyến để phục vụ nhu cầu tài chính của họ, dẫn đến lượt tải xuống các ứng dụng tài chính tăng 33% và lượt tìm kiếm “ứng dụng cho vay trực tuyến” tăng 300% trong năm qua.
3. Những người mua sắm thông minh
Khi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tích hợp các dịch vụ kỹ thuật số vào cuộc sống hàng ngày của mình, chúng tôi nhận thấy họ đang khám phá nhiều kênh và lựa chọn khác nhau trên hành trình mua hàng của họ. Hành trình mua hàng đã phát triển đáng kể do COVID-19 và truy cập Internet tăng, và 83% người Việt Nam hiện dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu sản phẩm trực tuyến trước khi mua hàng. Ra quyết định trực tuyến và mua hàng ngoại tuyến là hành vi chủ đạo trên các danh mục chính.
Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam đang đặt ra nhiều câu hỏi được cá nhân hóa hơn. Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng ổn định về các sở thích Tìm kiếm dành riêng cho nhu cầu và mong muốn của từng người tiêu dùng. Hành trình của người tiêu dùng Việt Nam cũng đang dịch chuyển nhiều hơn trên các phương tiện trực tuyến và ngoại tuyến vì 75% giao dịch mua hàng được thực hiện ngoại tuyến, nhưng 62% nghiên cứu về các giao dịch mua này được thực hiện trực tuyến.
4. Người Việt Nam quan tâm đến sức khỏe của mình
Đối với người Việt Nam, không gì quan trọng hơn một lối sống lành mạnh, và nhiều người đã tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ để cải thiện lối sống và thói quen tiêu dùng của họ.
Chất lượng không khí là mối quan tâm chung trong cả nước khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng tìm kiếm “ô nhiễm không khí” (tăng 80%) và “máy lọc không khí” (tăng gấp 2 lần). Chúng tôi nhận thấy lượng tìm kiếm các sản phẩm giúp cải thiện môi trường gia đình tăng đáng kể.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe, điều này thể hiện qua sự gia tăng trong lượt Tìm kiếm “thiết bị đeo cho sức khỏe (đồng hồ thông minh)” tăng 55% và “tập luyện tại nhà” tăng 60%, cũng như mức tăng 38% trong lượt tải xuống “ứng dụng thể dục”. Trên thực tế, thời gian dành cho mỗi khách truy cập trên các ứng dụng hoặc trang web liên quan đến thể dục / chế độ ăn uống cũng tăng 62%.
Người dùng Internet Việt Nam cũng cho thấy sự gia tăng quan tâm đối với việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ và tốt cho sức khỏe mặc dù giá cao hơn, vì chúng tôi thấy sự gia tăng trong Tìm kiếm về thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như “nước kiềm” (tăng 80%), “bia không cồn” (tăng 250%) và “ít đường” (tăng 100%). Người ta cũng tập trung nhiều hơn vào chế độ ăn uống và ăn uống lành mạnh, với mức tăng 80% lượt tìm kiếm trên Google liên quan đến chế độ ăn uống.