Trang bán lẻ, thương mại điện tử (TMĐT) của bạn SEO mãi không lên nổi top? Không thể cạnh tranh được với các đối thủ cùng ngành và bỏ phí đi hàng trăm, hàng nghìn traffic mỗi ngày?
Rất có thể là vì bạn đang mắc phải 5 sai lầm hay gặp sau đây.
Cùng tìm hiểu chi tiết các sai lầm này cùng phương án giải quyết chúng trong bài viết sau nhé.
1. Cấu trúc website không tinh gọn
Trong nhiều dự án đã triển khai, việc sở hữu cấu trúc website công kềnh, rắc rối là một trong những lỗi cơ bản mà doanh nghiệp hay mắc phải nhất.
Việc này không chỉ vi phạm đến các tiêu chí về SEO On-page, nó còn góp phần khiến trải nghiệm người dùng trên trang của bạn kém đi, do khách hàng sẽ mất nhiều thời gian để tìm đến những trang mà mình mong muốn.
Tại sao cấu trúc website không tin gọn lại không tốt cho SEO?
Khi 1 website có link trỏ đến 1 website khác, nó sẽ truyền sức mạnh – tính thẩm quyền cho trang được liên kết. Càng nhiều link được trỏ đến, thì Google sẽ càng hiểu trang đó càng uy tín, càng có tính thẩm quyền cho nội dung được nhắc đến và sẽ được xếp hạng cao hơn. Tính thẩm quyền đó thường được SEOer gọi là link juice.
Trong tất cả các website trên trang, trang chủ thường là nơi có nhiều link juice nhất, do thường được nhắc đến trên các website khác.
Nếu bạn để tràn lan tất cả các danh mục sản phẩm ra ngoài như hình dưới đây, link juice từ trang chủ sẽ bị chia 5, sẻ 7 cho các trang phía dưới, điều này khiến việc làm SEO cho các trang danh mục sản phẩm quan trọng sẽ tốn nhiều thời gian hơn.
Lời khuyên từ SEONGON:
- Chỉ nên sử dụng từ 5-7 menu chính trên trang chủ của bạn
- Nên sử dụng các key chính cho các danh mục con của mình. VD: “giày thể thao nam”, “giày thể thao nữ”
- Loại bỏ các trang không quan trọng với người dùng trên site như “chính sách”, “bảo mật”, thậm chí là “giới thiệu” về doanh nghiệp ra khỏi menu chính
2. Nhiều lỗi 404 trên trang
Với một trang thương mại điện tử có nhiều sản phẩm, hoặc triển khai nhiều hoạt động online marketing, việc xuất hiện các trang lỗi 404 là không thể tránh khỏi. Những trang 404 này thường được sinh ra từ một số hoạt động sau:
- Sản phẩm, chương trình khuyến mãi đã bị dừng và loại bỏ khỏi website
- Có sai sót trong việc gắn thẻ UTM để tracking trong các hoạt động marketing. VD: gắn mã theo dõi trong Google Ads
- Thay đổi danh mục của sản phẩm khiến URL của sản phẩm bị thay đổi theo…
Các trang 404 là một phần tự nhiên của website, bản thân Google cũng nói rằng sự xuất hiện của những trang này nhìn chung cũng sẽ không ảnh hưởng đến thứ hạng của site. Tuy nhiên, nếu các trang 404 đang được link ở các trang khác, dù là backlink hay internallink, thì chẳng phải bạn đang bỏ phí đi “link juice” – sức mạnh của nó sao?
Hơn nữa, nếu người dùng đi từ các trang khác về site của bạn, nhận thấy lỗi 404 và back lại thì bản thân doanh nghiệp cũng đang bỏ lỡ không chỉ là 1 traffic, trực tiếp làm giảm thời gian time on site trung bình của toàn trang, mà đôi khi còn là cơ hội tiếp cận 1 khách hàng tiềm năng.
Vậy nên bạn cần có phương pháp quản lý và xử lý những trang 404 đúng cách. Bạn có thể dùng Search Console để tìm các trang 404 như hình dưới đây:
Một số giải pháp cho các trang 404:
- Redirect 301 về các trang có nội dung liên quan
- Xây dựng điều hướng ngay trên trang 404 để điều hướng người dùng. VD: điều hướng về trang chủ, các sản phẩm khác liên quan, thêm thanh search…
- Xem thêm ví dụ về các cách xử lý trang 404 trên thế giới
3. Thiếu thẻ meta cho các trang danh mục và sản phẩm
Một trong những lỗi thường gặp của nhiều trang bán lẻ là việc nhiều trang danh mục và sản phẩm đang thiếu khá lớn các thẻ meta title và meta description.
Có vẻ như việc quá chú trọng đến khâu bán hàng, đăng sản phẩm đã khiến nhiều doanh nghiệp bỏ qua yếu tố nhỏ nhưng khá quan trọng này.
Dù các SEO agency như SEONGON hoàn toàn có thể hỗ trợ doanh nghiệp phát hiện và tối ưu mục này nhưng để tránh mất thời gian, việc điền đầy đủ các thẻ meta cho trang sản phẩm cần xuất hiện trong quy trình đăng sản phẩm mới của doanh nghiệp (như hình dưới đây).
4. Không để ý đến các vấn đề trùng lặp nội dung trên site
Một doanh nghiệp bán lẻ dễ dàng có từ hàng trăm đến hàng nghìn sản phẩm khác nhau trên website. Trong số đó, rất nhiều sản phẩm gần giống nhau, chỉ khác một chút về đặc tính sản phẩm (màu sắc, kích thước…) nên khó tránh khỏi việc trùng lặp nội dung trên trang.
Ngoài ra một số các yếu tố có thể dẫn tới việc trùng lặp nội dung phổ biến có thể kể đến như:
- Một sản phẩm được đưa vào nhiều category khác nhau, tạo ra 2 URL với cùng 1 nội dung. (VD: giay-nam/san-pham-a và giay-nam-moi-nhat/san-pha-a)
- Sự khác nhau giữa HTTP và HTTPs
- Bản thân hệ thống quản lý website (CMS) có cơ chế sinh ra các URL trùng lặp
Cũng theo Google, trùng lặp nội dung sẽ không bị phạt miễn là doanh nghiệp không sử dụng nội dung trùng lặp với mục đích thao túng thứ hạng kết quả tìm kiếm.
Tuy nhiên theo Moz, dù không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thứ hạng từ khoá, nhưng điều này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến nó khi:
- Google sẽ gặp khó khăn trong việc xác định đúng trang/ URL cần lập chỉ mục
- Google không biết nên xếp hạng trang, phiên bản nào cho 1 truy vấn tìm kiếm liên quan
- Trải nghiệm người dùng sẽ giảm khi khách hàng không phân biệt được 2 hay nhiều sản phẩm với nhau thông qua việc đọc nội dung miêu tả sản phẩm
Từ những lý do đó, Google có thể xếp hạng những trang mà bạn không mong muốn trên trang tìm kiếm của mình.
Vậy để giải quyết vấn để giải quyết vấn đề trùng lặp nội dung, doanh nghiệp cần làm gì?
4.1. Đối với việc trùng lặp nội dung cho phần miêu tả sản phẩm
Doanh nghiệp cần đầu tư thêm thời gian, công sức để tạo ra các nội dung khác biệt.
Ví dụ, cùng 1 sản phẩm về ốp lưng điện thoại iPhone, tương đồng về chất liệu chỉ khác nhau về hoạ tiết trang trí, SEONGON luôn phối hợp cùng khách hàng để có thể tạo ra content khác biệt cho từng loại sản phẩm: vừa tránh trùng lặp nội dung, vừa tăng trải nghiệm khách hàng:
Sản phẩm 1
- Chất liệu nhựa dẻo bóng, với nhiều hình ảnh bắt mắt
- Kiểu dáng hợp thời trang, phù hợp với lứa tuổi teen
- Tuy là nhựa dẻo bóng nhưng khả năng tản nhiệt rất tốt
- Phù hợp với điện thoại iPhone X
- Ưu đãi về phí vận chuyển cho khách hàng buôn phụ kiện điện thoại di động
- Nhiều chủng loại phụ kiện điện thoại khác nhau, ốp lưng giá sỉ cho những khách hàng có nhu cầu bán lẻ
Sản phẩm 2
- Ốp lưng iPhone cầu vồng có hình thức đẹp, phù hợp với những bạn trẻ năng động
- Chất liệu nhựa dẻo cao cấp, an toàn với người dùng
- Khả năng chống chịu va đập cực tốt
- Có khả năng chống bám dấu vân tay, bụi bẩn cực kỳ hiệu quả
- Miễn phí vận chuyển khi mua buôn, lấy sỉ ốp lưng điện thoại
Sản phẩm 3
- Ốp lưng iPhone vỏ sò in hình với kiểu dáng ngộ nghĩnh, ưa nhìn, được các bạn trẻ ưa chuộng
- Chất liệu nhựa dẻo
- Khả năng tản nhiệt tốt
- Miễn phí vận chuyển (trong nội thành Hà Nội) cho khách hàng bán buôn phụ kiện điện thoại, với giá đơn hàng sỉ > 1 triệu đồng
- Nhiều chủng loại phụ kiện điện thoại độc đáo cho những khách hàng có nhu cầu bán buôn
Ngoài ra, thêm hình ảnh, video, và tận dụng review của khách hàng là một trong những phương pháp hiệu quả để tạo nội dung khác biệt:
4.2. Đối với việc trùng lặp nội dung bởi trùng URL
Bạn có 3 cách phổ biến nhất để giải quyết vấn đề này:
- Sử dụng canonical tag: 1 cách kỹ thuật để chỉ Google nội dung là chính, nội dung nào là sao chép lại
- Redirect 301: xoá URL trùng lặp và điều hướng về URL chính
- No index: ra lệnh cho bot Google không lập chỉ mục URL trùng lặp
Doanh nghiệp có thể đọc chi tiết hướng dẫn của Google về vấn đề này tại đây.
5. Không đầu tư vào giao diện mobile
Theo 1 khảo sát của Visa vào năm 2017, 60% người dùng điện thoại di động để mua sắm, giao dịch trên các trang thương mại điện từ. Số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt trên 423.000 tỷ đồng.
Nếu xét trên góc độ kinh doanh, rõ ràng doanh nghiệp thật sự cần đầu tư vào các trải nghiệm mua sắm trên thiết bị di động nếu muốn cải thiện về doanh số.
Quan trọng hơn, với việc Mobile first-index – Google sẽ chủ yếu xếp hạng website dựa trên phiên bản di động – đã được đưa vào áp dụng trên toàn cầu vào tháng 3/2020, doanh nghiệp càng cần đầu tư vào xây dựng giao diện di động thân thiện cho người dùng nếu không muốn tụt hạng trên trang kết quả tìm kiếm.
Trên đây là 5 sai lầm mà các doanh nghiệp bán lẻ hay mắc phải nhất khi làm SEO, khiến họ tụt thứ hạng nghiêm trọng, và đánh mất đi cơ hội tiếp cận vô số khách hàng tiềm năng mỗi ngày.