Sự bùng nổ dữ liệu trong kỷ nguyên số đòi hỏi một hệ thống hạ tầng có khả năng khai thác triệt để và xử lý mạnh mẽ. Thế nên, bước tiến kế tiếp trong cuộc cách mạng CNTT chính là việc sử dụng mạng viễn thông 5G để làm chìa khoá mở ra kho báu dữ liệu số, giúp doanh nghiệp phát triển vượt bậc theo định hướng số hoá – là xu hướng chung của các doanh nghiệp trong vài thập kỷ tới.
Sự bứt phá của công nghệ viễn thông thế hệ 5G
Nếu công nghệ 1G tiên phong cho cuộc cách mạng viễn thông và khởi nguồn của sự phát triển thiết bị điện thoại di động, thì 5G đã mở ra kỷ nguyên mới cho thời đại số bằng những tính năng ưu việt, giúp giải quyết triệt để các hạn chế về tốc độ, dung lượng và độ phủ sóng của công nghệ 2G, 3G, 4G trước đây.
5G viết tắt cho ‘fifth generation’, tức thế hệ thứ 5 của công nghệ mạng viễn thông, khác biệt hoàn toàn với công nghệ mạng không dây WiFi sử dụng tần số 5Ghz đã ra đời từ năm 2012.
Mạng viễn thông 5G, hoạt động nhờ vào những trạm thu phát sóng sử dụng các công nghệ thu – phát thế hệ mới để tạo ra các băng tần sóng cao và băng thông dữ liệu rộng lớn hơn từ 10 đến 100 lần nếu so với 4G. Nhờ vậy 5G có thể đảm bảo kết nối dữ liệu cho tất cả mọi người trong một không gian lớn. Chẳng hạn Nou Camp đã trở thành sân vận động bóng đá đầu tiên ở châu Âu được phủ toàn bộ sóng 5G (3/2019) giúp khán giả tương tác với cầu thủ tốt hơn.
Hơn nữa, độ trễ (khoảng thời gian đáp ứng giữa các thiết bị) giảm xuống còn 1ms, nên 5G không chỉ rút ngắn thời gian phản hồi giữa các thiết bị gần với thời gian thực, mà còn nhân rộng điểm kết nối hình thành nên một liên mạng thông minh và toàn diện. Tương tự như các điểm kết nối thông tin để tạo thành các hệ thống lớn như thành phố thông minh được xây dựng dựa trên nền tảng IoT.
Khái niệm Internet vạn vật (IoT) không còn xa lạ khi nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như giao thông, sản xuất, năng lượng và y tế… Hơn nữa, với khả năng kết nối đa điểm bằng tốc độ kinh ngạc của 5G sẽ giúp IoT cải thiện chức năng thu thập và truyền tải nguồn dữ liệu khổng lồ. Từ đó, sự giao thoa giữa 5G và IoT sẽ làm nền tảng cho việc nghiên cứu và phát triển ngành công nghệ tự động hoá như: ô tô không người lái, phẫu thuật từ xa, công nghệ thực tế ảo…
5G rút ngắn thời gian xử lý big data hiệu quả
Quảng cáo được biết như một điểm chạm (touchpoint) tạo sự liên kết mạnh mẽ và chặt chẽ nhất giữa doanh nghiệp và khách hàng. Tuy nhiên, thị hiếu người tiêu dùng thay đổi theo thời gian buộc các công ty quảng cáo phải tự nâng cấp hoặc thay đổi cách tiếp cận. Chẳng hạn, các quảng cáo sử dụng công nghệ thực tế ảo (AR) và mô hình 3D của Google đã thay đổi cục diện. Tiện ích này giúp thương hiệu cải tiến các mẫu quảng cáo “tĩnh” trở nên chân thực, sống động hơn và thu hút lượng lớn người tiêu dùng.
Phương thức quảng bá này “ngốn” một dung lượng dữ liệu khá cao khiến tốc độ truyền tải dữ liệu chậm đi, trải nghiệm khách hàng vì thế mà bị ngắt quãng nếu sử dụng với 4G. Thế nhưng, với dung lượng lưu trữ lớn cùng tốc độ xử lý và truyền tải dữ liệu cực lớn của 5G, việc ứng dụng công nghệ cao vào quảng cáo trở nên dễ dàng hơn. Từ đó, doanh nghiệp có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo trên nền tảng quảng cáo digital cũng như mang đến trải nghiệm mượt mà hơn cho khách hàng.
5G – chìa khoá của dữ liệu số
Sau khi tổng hợp được nguồn dữ liệu lớn (big data) thông qua sự tương tác của người dùng tại các touchpoint, doanh nghiệp tiến hành phân tích nó. Năm 2009, Netflix là ví dụ điển hình cho việc thành công khai thác big data khi tối ưu hoá thuật toán ghi nhớ và dự đoán hành vi của từng cá nhân trên trang. Vận hành doanh nghiệp dựa trên big data đã giúp nâng cấp trải nghiệm và “giữ chân” người dùng, đồng thời giúp Netflix tiết kiệm 1 tỷ USD hằng năm cho công ty. Nếu sử dụng 5G, việc tổng hợp thông tin từ big data sẽ giảm đi rất nhiều. Sự phát triển của 5G sẽ là một chìa khoá tiếp cận kho báu dữ liệu nhanh hơn, giúp hiểu rõ về insight của người tiêu dùng chính xác và sâu rộng hơn vì tốc độ đã giúp rút ngắn thời gian xử lý thông tin từ big data một cách hiệu quả.
5G chính là cầu nối giữa nguồn tài nguyên và trung tâm xử lý dữ liệu trong các chiến lược big data. Sở hữu những thông số kỹ thuật vượt trội, mạng viễn thông 5G giúp tối ưu hoá quá trình chuyển đổi và phân tích dữ liệu. Qua đó, doanh nghiệp có thêm thời gian tập trung cải thiện sản phẩm và nâng cao trải nghiệm cho người dùng.
Tuy nhiên, vì khả năng hỗ trợ đa nền tảng truy cập và siêu kết nối, 5G cũng nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều về tính năng bảo mật thông tin. Nhưng ứng dụng khoa học và công nghệ ngày càng tân tiến, tiêu biểu là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), 5G sẽ cho phép các nhà cung cấp thiết lập mạng lưới an ninh công nghệ cao. Vì vậy, dữ liệu về hành vi người dùng sẽ được bảo mật tối đa. Đồng thời, tính năng bảo mật tân tiến này giúp gầy dựng lòng tin của người tiêu dùng với doanh nghiệp.
Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ 5G
Tại Việt Nam, các “ông lớn” mảng CNTT đều tham gia vào cuộc nghiên cứu và triển khai mạng lưới 5G trong thực tế, cụ thể như sau:
- 5/2019: cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam thực hiện bởi Viettel nhờ sử dụng thiết bị thu phát sóng NodeB
- 8/2019: phát sóng thử nghiệm 5G tại TP.HCM, thiết bị đầu cuối trình diễn là điện thoại OPPO Reno 10X Zoom dùng bộ xử lý Qualcomm Snapdragon 855
- 3/2020: OPPO ra mắt điện thoại Find X2 series tại Việt Nam với bộ xử lý Qualcomm Snapdragon 865 được chứng nhận “5G ready”
- 4/2020: Điện thoại Huawei P40 ra mắt ở Việt Nam hỗ trợ sẵn mạng 5G
- 7/2020: VinSmart ra mắt Vsmart Aris 5G: mẫu smartphone thương hiệu Việt đầu tiên hỗ trợ mạng 5G, tiếp tục thử nghiệm trên mạng Viettel 5G với tốc độ truyền dữ liệu khoảng 400 Mbps
Cuối cùng, dự kiến tháng 10/2020, Việt Nam sẽ tiến hành thương mại 5G bằng 100% thiết bị trong nước từ các đối tác như Viettel, VinGroup, FPT…
5G là cơ sở giúp khai thác và xử lý hiệu quả nguồn dữ liệu khổng lồ trong thời đại số. Hơn nữa, mang sứ mệnh phá vỡ ranh giới tạo sự kết nối đa điểm với tốc độ kinh ngạc, 5G trong kỷ nguyên Internet mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho các doanh nghiệp.
* Nguồn: Brands Vietnam