Gia tăng hoạt động thương mại điện tử
COVID-19 khiến nhiều người tiêu dùng hạn chế đến các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng để mua sắm và chuyển qua mua sắm online. Theo báo cáo của Nielsen, kênh siêu thị và chợ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất. Cụ thể, tỉ lệ người hạn chế mua sắm tại siêu thị và chợ truyền thống lần lượt là 69% và 64%. Trong khi đó, số người sử dụng kênh mua hàng online tăng 25%.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định rằng COVID-19 đã thúc đẩy quá trình dịch chuyển mua sắm từ offline sang online của người tiêu dùng nhanh hơn.
Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường trực tuyến.
Những tên tuổi lớn của lĩnh vực thương mại điện tử như Tiki, SpeedL và Saigon Co.op đều tăng trưởng tích cực trong mùa COVID-19. Điển hình là Tiki với 4.000 đơn hàng/phút. SpeedL cũng có số lượng đơn hàng tăng 100-200%, Saigon Co.op cũng tăng số lượng đơn hàng online gấp 5 lần. Ngoài ra, ứng dụng như Grab cũng đã kích hoạt một nền tảng mới GrabMart để phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm tại nhà của khách hàng.
PHS nhận định, COVID-19 là cơ hội sàng lọc các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ. Trước sức ép từ việc không có doanh thu trong khi vẫn phải chịu áp lực từ chi phí cố định (như thuê mặt bằng, nhân công…), những doanh nghiệp nhỏ lẻ, hoạt động kém hiệu quả sẽ rất khó trụ được trên thị trường và việc các doanh nghiệp này rời khỏi thị trường sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lớn hoạt động hiệu quả chiếm thị phần và tăng trưởng trở lại khi thị trường phục hồi.
Sự hồi phục sau đại dịch
Theo nhận định của PHS, ngành bán lẻ là một trong những nhóm ngành hồi phục nhanh nhất sau khi dịch COVID-19 kết thúc.
Ngành bán lẻ được đánh giá có tốc độ hồi phục nhanh hơn các ngành khác nhờ tiềm năng sẵn có cũng như những triển vọng sau dịch bệnh. Cụ thể, ngành bán lẻ giữ được độ hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại, triển vọng về sự thích nghi với thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng và triển vọng về đáp ứng hàng hóa của nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu.
Lợi thế đó có được là do Việt Nam có quy mô dân số lớn (hơn 97 triệu người) và cơ cấu dân số trẻ với 60% dân số ở độ tuổi 18-50.Thị trường bán lẻ Việt Nam là 1 trong 5 thị trường bán lẻ có tiềm tăng nhất của khu vực châu Á và thế giới.
Ngoài ra, thu nhập của người dân đang tăng lên với khoảng 1 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu mỗi năm.
Thêm vào đó, lối sống của người Việt với thói quen sử dụng thực phẩm tươi, văn hóa chuộng giao lưu và sở thích mua sắm hàng hóa trực tiếp cũng tác động tích cực tới thị trường ngay sau khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Đây chính là những yếu tố mang tới sự phát triển ổn định cho thị trường bán lẻ Việt Nam.
Ngành bán lẻ cũng nhận được hỗ trợ của Chính phủ với hàng loạt chính sách hỗ trợ cùng các gói kích cầu như: gói 180.000 tỉ đồng theo Nghị định 41 nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp thông qua việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; gói 62.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 42 hỗ trợ người dân thuộc các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng tới thu nhập do dịch COVID-19; giảm giá điện và mới đây nhất là hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ trên được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp ngành tiêu dùng bán lẻ duy trì hoạt động, giảm chi phí lãi vay và hoãn trả thuế cho nhà nước trong giai đoạn dịch tiếp tục tăng.
PHS nhận định, trong năm 2020, ngành bán lẻ Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề trong quý II do lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ khiến hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa. Tuy nhiên, trong 2 quý cuối của năm 2020, PHS kỳ vọng ngành bán lẻ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng lần lượt 2,5% và 3% so với cùng kỳ năm 2019 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt tại Việt Nam. Qua đó, tổng doanh thu bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước tính khoảng 4.952 tỉ đồng, xấp xỉ mức 4.933 tỉ đồng của năm 2019.
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư